Cà phê rang sao tẩm là một nét đặc trưng của cà phê pha phin Việt Nam. Đó là một sự kết hợp cà phê với một số nguyên liệu khác như bơ thực vật, muối, đường, rượu…để tạo ra một hương thơm rất riêng, đặc sắc, hòa quyện cùng nhau. Điều cần chú ý là tuyệt đối không được sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Hạt cà phê rang sao tẩm
Mỗi một cơ sở, địa phương có một công thức rang sao tẩm khác nhau càng làm đa dạng hóa thêm hương, vị cà phê. Ví dụ về một mẻ rang thông thường gồm 10kg Robusta với các loại phụ gia cần dùng cho sao tẩm như sau: Rượu đế 400ml, muối 50g, đường cát trắng 200g, bơ thực vật 400g. Sau khi hoàn tất khâu rang hạt mộc(xem
Kỹ thuật rang cà phê – Phần 1: Rang mộc, không sao tẩm). Đổ cà phê ra khay để làm nguội chừng 3-4 phút thì bắt đầu sao tẩm hỗn hợp rượu-muối để tạo phản ứng ester làm dậy hương thơm, cà phê ngon hơn. Tiếp theo, tẩm nước đường cát trắng “đường đun sôi dậy mùi thơm” để giữ hương thơm lâu hơn. Sau cùng là tẩm bơ thực vật để tạo ra hương thơm đặc trưng sản phẩm. Đó là một ví dụ về mẻ rang sao tẩm điển hình. Ngoài ra cà phê có thể sử dụng hỗn hợp phối trộn của những hạt Robusta-Culi-Arabica hay dung dịch sao tẩm theo những tỷ lệ nhất định để tạo ra sản phẩm có hương, vị vừa ý nhất.
Bơ thực vật sử dụng rang sao tẩm cà phê
Đối với rang sao tẩm thì công đoạn ủ sau rang có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của ly cà phê sau này. Mục đích là để gia vị sao tẩm được thấm sâu, len lỏi đều vào bên trong từng hạt cà phê giúp tạo ra sự đồng nhất, làm dậy hương thơm đều cho sản phẩm. Thông thường thì dùng thùng inox, hủ sứ để ủ trong thời gian 8 đến 12 tiếng. Nhất thiết phải đậy kín và cẩn thận không cho không khí lọt vào vì sẽ làm giảm hương thơm cà phê. Cà phê thành phẩm được đóng gói kỹ càng để bảo quản được lâu, tốt nhất là nên dùng những túi đóng van 1 chiều.
Nguồn: Au Lac Coffee
Tham khảo: Cà phê Việt thế kỷ XXI - Trương Phú Thiện